Có 10 quận, huyện có số ca mắc Covid-19 cao nhất gồm Thanh Xuân, Đông Anh, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Thường Tín, Hoàn Kiếm, Hà Đông có khả năng là “vùng đỏ” tại Hà Nội...
Chủ trương phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất theo đề xuất thiết lập 3 vùng “đỏ – cam – vàng” theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch.
Cụ thể, trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao “vùng đỏ” để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai ở đâu ở đó” để khoanh vùng, truy vết, dập dịch.
Đối với các khu vực nguy cơ cao “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg để tổ chức phục hồi sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ”.
Việc thiết lập 3 vùng dựa trên nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý – dân cư – sinh hoạt – sản xuất.
Cụ thể, Hà Nội xác định các khu vực hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các doanh nghiệp, cơ quan, cơ sở kinh doanh dịch vụ); vùng phía Bắc Sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam thành phố (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).
Trong khi đó, theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5 do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, có 4 mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc: Màu xanh là mức Bình thường mới; Màu vàng là mức Nguy cơ; màu cam là mức Nguy cơ cao còn màu đỏ là mức Nguy cơ rất cao.
Và “vùng đỏ” ở quy mô cấp xã được xác định khi có một trong các yếu tố dịch tễ: Có chùm F0 chưa rõ nguồn lây hoặc có F0 xác định được nguồn lây nhiễm từ khu công nghiệp, trường học, siêu thị lớn và các khu vực có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, khó truy vết .
Ở quy mô cấp huyện thì “vùng đỏ” được xác định khi có 30% số xã trở lên có nguy cơ rất cao, nằm rải rác trên địa bàn huyện hoặc có 50% số xã trở lên có nguy cơ cao; hoặc có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 50% số xã.
Theo Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 do Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội quản lý, tính từ ngày 29/4 đến sáng 3/9, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 3.366 ca mắc Covid-19. Trong đó, số ca mắc mới trong sáng nay, 3/9, là 39 ca.
Đặc biệt, số liệu cộng dồn các ca mắc tại 10 quận, huyện có ca mắc cao nhất trên địa bàn thành phố là: quận Thanh Xuân 467 ca; huyện Đông Anh 368 ca; quận Đống Đa 359 ca; quận Hoàng Mai 322 ca; huyện Thanh Trì 319 ca; quận Hai Bà Trưng 250 ca; huyện Thường Tín 147 ca; quận Hoàn Kiếm 128 ca; quận Hà Đông 128 ca; quận Ba Đình 103 ca.
Trước đó, ngày 1/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký, ban hành công văn gửi các cơ quan liên quan về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2021.
Nội dung công văn thể hiện, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến rất phức tạp, khó lường; còn phát sinh nhiều ca mắc mới trong cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới; trong khi đó nếu kéo dài giãn cách xã hội gây nhiều hệ lụy tác động tới nền kinh tế, xã hội.
Vì vậy, Hà Nội yêu cầu các sở, ban ngành, cơ quan liên quan coi công tác chủ động tấn công, dập dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu hiện nay; phải quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao nhất với phương châm “khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh”.
Trước đó, UBND TP Hà Nội quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6h ngày 24/7 đến 6h ngày 8/8. Tiếp đó, ngày 6/6, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội “đợt 2” từ 6h ngày 8/8 đến 6h ngày 23/8. Đợt giãn cách xã hội thứ 3 được tính từ 6h ngày 23/8 đến 6h ngày 6/9.
Nguồn Dân trí
Tin tài trợ